An ninh Hạt nhân và Cách mạng Xanh Indira Gandhi

Trong cuộc chiến năm 1971, Hoa Kỳ gởi Đệ Thất Hạm đội đến Vịnh Bengal như là một lời cảnh cáo Ấn Độ chớ sử dụng nạn diệt chủng diễn ra ở Đông Pakistan (nay là Bangladesh) như là cái cớ để tấn công Tây Pakistan (nay là Pakistan), nhất là đối với lãnh thổ đang tranh chấp Kashmir. Động thái này khiến Ấn Độ càng xa lánh thế giới thứ nhất và thúc đẩy Thủ tướng Gandhi dẫn dắt chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia theo hướng mới. Những hỗ trợ chính trị và quân sự từ Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Hỗ tương ký với Liên Xô trước đó góp phần đáng kể vào chiến thắng của Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1971.

Gandhi cũng cho đẩy mạnh chương trình hạt nhân quốc gia vì Ấn Độ cảm nhận mối đe dọa hạt nhân từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như những quyền lợi của hai siêu cường có thể xung đột với sự ổn định và nền an ninh của Ấn. Bà mời tân Tổng thống Pakistan Zulfikar Ali Bhutto đến Shimla dự cuộc họp thượng đỉnh kéo dài một tuần. Sau những khó khăn ban đầu, hai nhà lãnh đạo ký kết Thỏa hiệp Shimla, ràng buộc hai quốc gia này phải giải quyết tranh chấp Kashmir bằng thương thảo và các biện pháp hòa bình.

Năm 1974, Ấn Độ thực hiện thành công một thí nghiệm hạt nhân dưới mặt đất kế cận ngôi làng Pokhran trong sa mạc ở Rajasthan. Mặc dù miêu tả cuộc thí nghiệm là vì "mục đích hòa bình", từ nay Ấn Độ trở thành cường quốc hạt nhân.

Kế hoạch đổi mới nông nghiệp và các trợ giúp của chính phủ khởi đầu từ thập niên 1960 giúp Ấn Độ thoát khỏi tình trạng thiếu hụt lương thực triền miên, rồi dần dà thặng dư trong sản xuất lúa mì, lúa gạo, sợi, sữa và bắt đầu xuất khẩu thực phẩm và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Tiến trình này được biết đến dưới tên cuộc Cách mạng Xanh. Đồng thời, cuộc Cách mạng Trắng được tiến hành nhằm phát triển công nghiệp sản xuất sữa với mục tiêu kiềm chế nạn suy dinh dưỡng, nhất là trong trẻ em.

Liên quan